LÀM THẾ NÀO ĐỂ TÌM RA ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU PHÙ HỢP?

Việc tìm được đề tài luôn là một trong những khó khăn lớn nhất với những người làm nghiên cứu. Vì vậy, nếu bạn chưa tìm được đề tài không phải là vấn đề quá lớn bởi khó khăn trong việc này chỉ phụ thuộc vào 2 yếu tố duy nhất. Đó chính là bạn đã muốn làm và đã đọc nhiều tài liệu hay chưa mà thôi! Có rất nhiều sinh viên chưa đọc các tài liệu nghiên cứu nhưng đã mong muốn tìm được đề tài nghiên cứu.

1. Xác định lĩnh vực mình quan tâm

Bạn quan tâm về kinh tế vĩ mô, tài chính vi mô, quản trị doanh nghiệp, kinh tế thể chế hay kiểm toán, Marketing, …? Nghiên cứu khoa học là hành trình bạn đi trả lời những câu hỏi và tìm ra những kết quả mới, và việc đầu tiên bạn phải xác định đâu là lĩnh vực mình quan tâm để theo đuổi. Chúng ta làm gì cũng sẽ dễ dàng hơn nếu được làm những thứ mình thích, và khi nghiên cứu khoa học, bạn không bị gò bó vấn đề mình nghiên cứu.

Vì vậy, nếu bạn học Kế toán – Kiểm toán nhưng bạn thích lĩnh vực Tài chính thì việc lựa chọn đề tài nghiên cứu Tài chính là điều hoàn toàn có thể thực hiện. Bạn đã thấy nghiên cứu khoa học khác với việc học tập ở trên lớp? Mỗi thành viên trong nhóm nghiên cứu cần nhớ rằng khi nghiên cứu khoa học là khi bạn đang rất chủ động, vì vậy nếu nhóm bạn vẫn còn đang chần chừ và để thời gian qua đi có nghĩa là nhóm bạn vẫn chưa muốn thực hiện. Hãy xác định đâu là lĩnh vực mình quan tâm và chuyển qua bước thứ 2 nhé!

2. Giới hạn lĩnh vực mình quan tâm nhỏ hơn nữa (Thu hẹp đề tài rộng)

Trong một lĩnh vực có hàng ngàn vấn đề, tuy nhiên sẽ có những mảng vấn đề nhỏ trong một lĩnh vực lớn. Từ lĩnh vực rộng mình quan tâm, bạn hãy tìm hiểu xem đâu là những mảng vấn đề nhỏ hơn trong lĩnh vực/chủ đề rộng đó. Sau khi làm được việc này, hãy tiếp tục tìm hiểu sâu hơn nữa vào từng mảng vấn đề nhỏ hơn đó để hiểu hơn về chúng. Khi làm được tới đây, việc lựa chọn đề tài nghiên cứu để theo đuổi chắc chắn đã dễ dàng hơn rất nhiều vì bạn đã thực hiện được việc “thu hẹp đề tài rộng” rồi đấy! Hãy cùng xem một ví dụ dưới đây để hình dung ra bước 2 dễ dàng hơn nhé:

Ví dụ bạn muốn nghiên cứu về lĩnh vực Quản trị kinh doanh, tuy nhiên lĩnh vực này có rất nhiều mảng vấn đề như Marketing, nhân sự, quản trị sản xuất, vận hành doanh nghiệp, … Điều bạn cần làm lúc này là tìm hiểu sâu hơn về từng mảng vấn đề trong lĩnh vực này. Giả sử trong số các mảng vấn đề trên bạn thích Marketing nhất, hãy đi tìm hiểu sâu hơn về nó trước nhé! Trong Marketing có rất nhiều “vấn đề con” như thương hiệu, truyền thông, 4P, nghiên cứu thị trường, … bạn hãy tiếp tục tìm hiểu sâu hơn từng vấn đề nhỏ trong mảng vấn đề này. Điều này cũng được thực hiện với các mảng vấn đề khác nếu cho tới khi bạn tìm được 1 “mảnh đất” mình thích và muốn thực sự khám phá những điều mới trên đây.

Xác định các vấn đề hẹp trong một lĩnh vực rộng để tìm ra đề tài

Khi tìm hiểu sâu hơn về những vấn đề này, bạn sẽ có thêm kiến thức nền về vấn đề, biết đâu là những vấn đề bạn thực sự thích và quá trình tìm kiếm được đề tài lúc này chắc chắn sẽ dễ dàng hơn so với việc để thời gian trôi đi trong tình trạng cả nhóm không chủ động. Tuy nhiên, nhiều khi việc này có thể sẽ mất rất nhiều thời gian để nhóm bạn tìm được một đề tài như mong đợi.

Mách nhỏ bạn: Trước khi đăng kí đề tài tại cấp khoa, nhóm bạn đã cần phải xác định được mảng vấn đề hẹp muốn nghiên cứu trong lĩnh vực mình lớn mà mình quan tâm.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ THỰC HIỆN ĐƯỢC VIỆC THU HẸP ĐỀ TÀI RỘNG?
Đó chính là ĐỌC !!! Và chắc chắn, đọc là việc không thể thiếu với mỗi người làm nghiên cứu. Tại sao lại là đọc?
Đọc để tìm hiểu về các mảng vấn đề hẹp hơn trong lĩnh vực bạn quan tâm; đọc để biết những người khác đã làm như thế nào; đọc để biết một vấn đề được triển khai ra sao; … Và chắc chắn, đọc để không bao giờ nói là “tìm mãi không ra đề tài”.